Вы находитесь на странице: 1из 3

Sự thật đằng sau chiếc áo khoác lông chồn…

Tên sách: Áo khoác lông chồn


Tác giả: John O’Hara
Dịch giả: Đinh Thị Thanh Vân
NXB Văn hóa Sài Gòn

Nhắc đến John O’Hara, người ta thường nghĩ ngay tới cuốn tiểu thuyết nổi tiếng
“Appointment in Samarra” (Hẹn gặp ở Samarra) – tác phẩm đầu tay gắn với tên tuổi của
tác gia nước Mỹ này chưa bao giờ rời khỏi danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời
đại.
Nếu như “Hẹn gặp ở Samarra” từng được đánh giá là đạt đến vẻ đẹp kinh điển của
một tác phẩm hiện thực trong thế kỷ 20 thì có một tiểu thuyết khác của ông lại được ví
như cuốn “biên niên sử của nước Mỹ”. Tác phẩm ấy là “BUtterfield 8” – cuốn sách vừa
được xuất bản ở Việt Nam dưới cái tên “Áo khoác lông chồn”.
Nếu như “Hẹn gặp ở Samarra” tái hiện một cách tài tình, sống động bi kịch cá nhân
cũng như những mâu thuẫn cay đắng trong cuộc sống tỉnh lẻ nước Mỹ vào nửa đầu thế
kỷ 20 thì “Áo khoác lông chồn” lại là sự thu nhỏ xã hội Mỹ trong cuộc đại suy thoái
những năm 30 của thế kỷ trước.
“Áo khoác lông chồn” ra mắt lần đầu năm 1935, thời điểm mà theo tác gia Fran
Lebowitz là lúc nền văn hóa cũng như kinh tế của nước Mỹ đang hồi nhiễu loạn: “Năm
1935, nhiều sự việc không nói ra thì tốt hơn. Nhiều đam mê ngấm ngầm, nhiều quy tắc
bất thành văn. Có nhiều người giàu không kể xiết và có những anh hùng không được
tôn vinh. Tư cách đạo đức có khi không thích hợp. Hành xử có thể không đúng đắn.
Đạo đức có thể không được tha thứ. Đạo đức có thể không được khoan dung.
Năm 1935, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức 144.13, không những cho thấy tác
động của nạn Đại Suy thoái, mà còn truyền đạt một ý nghĩa đặc biệt, đây là một giai
đoạn có không ít việc buôn bán ngoài luồng. Năm 1935, Luật cấm buôn bán rượu mới
hết hiệu lực được hai năm, sau khi kéo dài mười ba năm liền. Trong nhiều thành công
khác, nó còn có tác dụng dân chủ hóa hoàn toàn và rất quái đản tính chất vụng trộm của
nền đạo đức, chi phối các cuộc ngoại tình của tầng lớp thượng lưu Mỹ…”
Trong bối cảnh ấy, John O’Hara đã tái hiện lại một cuộc đời đầy những biến động
của cô gái trẻ Gloria Wandrous. Mồ côi cha từ rất sớm, Gloria sống trong sự bao bọc
của một người mẹ mẫu mực và người bác ruột hết lòng yêu thương, chiều chuộng cô.
Nhưng rồi bi kịch thứ nhất xảy đến. Gloria bị lạm dụng tình dục bởi thiếu tá Boam –
bạn quân ngũ của bác cô. Cô gái 12 tuổi rơi vào tình trạng rầu rĩ và suy nhược, nên buộc
phải chuyển sang một môi trường mới. Tuy nhiên, thành phố New York những năm 30
lại chẳng phải một điểm đến hoàn hảo.
Từ một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, có giáo dục, Gloria trở thành một kẻ say xỉn,
“nhẵn mặt” hầu hết các quán rượu lậu ở New York. Cô sẵn sàng qua đêm với một người
đàn ông mới quen trên tàu hỏa, giao du với đám thanh niên thượng lưu trường Yale, rồi
có thai với một trong số đó, tiếp tục nạo thai và sống buông thả. Ở tuổi 20, Gloria đã trở
thành người đàn bà sành sỏi chốn tình trường. Bước ngoặt lớn thứ hai trong cuộc đời
Gloria là gặp gỡ và quen biết Liggett – một người đàn ông đã có vợ và hai con. Từ một
mối quan hệ qua đường, cô gái trẻ đem lòng yêu người đàn ông đáng tuổi bố mình. Rồi
trong một lần ở cùng nhau, bị chi phối bởi phút bốc đồng của những đam mê nhục dục,
Liggett đã xé rách chiếc váy dạ hội của Gloria. Điều này tiếp tục đẩy cuộc đời Gloria
vào một bi kịch mới: Bi kịch đánh cắp chiếc áo khoác lông chồn trị giá 6.000 đô la và
được bảo hiểm với giá 3.000 đô la.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác phẩm mang tên “Áo khoác lông chồn”. Thứ đồ xa xỉ
ấy cũng giống như bộ mặt của giới thượng lưu Mỹ trong thời Đại Suy thoái. Nó là thứ
vỏ bọc bên ngoài đẹp đẽ và hào nhoáng, nhưng phù phiếm và vô giá trị về mặt tinh thần.
Nó là món quà người chồng tặng cho vợ mình để minh chứng tình yêu nhưng thực chất
chính anh ta lại là kẻ ngoại tình đáng khinh nhất. Nó – chiếc áo lông chồn ấy cũng vẫn
là vật cuối cùng mà Liggett tìm đến sau khi chạy trốn như một kẻ tội phạm khỏi con tàu
mà Gloria tội nghiệp đã bỏ mạng. Vẫn theo Fran Lebowitz thì John O’Hara đã: “hiểu rõ
hơn bất cứ nhà văn Mỹ nào khác rằng, giai tầng có thể vừa bộc lộ vừa nhào nặn lên tính
cách, sự hời hợt có thể trọn vẹn đến vô cùng, và quần áo có thể thực sự làm nên con
người ra sao”.
Trong “Áo khoác lông chồn”, John O’Hara đã xây dựng nên một hệ thống các nhân
vật được khâu nối với nhau bằng nhiều mối quan hệ phức tạp. Trong đó có một Gloria
là nạn nhân của xã hội đang quay cuồng trước cơn lốc của cơn Đại Suy thoái, có một
Liggett – đại diện cho tầng lớp thượng lưu nhiều tiền nhưng xuống cấp về đạo đức. Bên
cạnh đó còn có hàng loạt những nhân vật bên lề, tưởng như chẳng liên quan gì đến câu
chuyện, nhưng chính họ lại giữ vai trò làm rõ hơn cho bối cảnh. Đó là một bà vợ ra
dáng “ngoan hiền” nhưng lại lén lút ngoại tình lúc chồng đi vắng, là một ngài tiến sĩ khả
kính nhưng suốt ngày chỉ lo giấu giếm mối quan hệ của mình với một cô gái nhiều tai
tiếng, là người chồng “vụng trộm” với chính bạn thân của vợ mình… Bằng một bút
pháp tả thực đầy sinh động, cả nước Mỹ được John O’Hara gói gọn lại trong một góc
của thành phố New York những năm 30, đầy hỗn loạn, sự suy thoái về kinh tế dẫn theo
những suy đồi trầm trọng về đạo đức. Mọi giá trị đều trở nên đảo lộn, khái niệm về “gia
đình” và sự “chung thủy” đều trở nên vô ý nghĩa, khi mà: “Tỷ lệ “tử vong” các cuộc hôn
nhân trong tầng lớp của Liggett gần đạt đến 100%, nhưng trước cuộc đại suy thoái
chẳng có lý do gì để phát hiện ra việc này”.
Trong số những nhân vật được xây dựng trong tác phẩm, chỉ có một nhân vật được
John O’Hara khắc họa “khác biệt” hơn đôi chút so với tuyến nhân vật còn lại, đó chính
là chàng trai Eddie Brunner – người đàn ông duy nhất gắn bó với Gloria mà không…
ngủ với cô. Với Eddie, Gloria giống như một cô em gái nhõng nhẽo mà anh sẵn sàng
giúp đỡ và che chở. Có lẽ, Eddie được tạo nên với mục đích cứu rỗi, nhưng đáng tiếc,
đây là một tác phẩm hiện thực chứ không phải một câu chuyện cổ tích đòi hỏi một kết
thúc có hậu, cho nên, nhân vật Eddie cuối cùng vẫn chỉ đóng vai trò là người trả lại cho
Liggett chiếc áo khoác lông chồn, bởi bản thân anh, dù muốn nhưng lại không đủ can
đảm để đưa Gloria thoát khỏi những bi kịch mà cô đã rơi vào.
John O’Hara viết “Áo khoác lông chồn” ở tuổi 29. Điều này giúp lý giải một cách
thấm thía rằng giọng điệu từng trải, thông thái và lối văn chương chân thực mà tinh tế
ấy không phải được tạo nên bởi một ngòi bút nhiều trải nghiệm mà bởi một tài năng
đáng ngưỡng mộ, cộng với một tầm hiểu biết sâu sắc. Cũng bởi thế mà tờ New York
Times từng có lời khen tặng: "O’Hara chiếm giữ vị trí độc nhất trong nền văn học
đương đại của Mỹ. Ông là nhà văn Mỹ duy nhất tái hiện xã hội Mỹ trong cái cách mà nó
đã được thể hiện trong tác phẩm của Henry James về nước Mỹ, hay dưới ngòi bút của
Proust về nước Pháp".
“Áo khoác lông chồn” xứng đáng được coi là một tuyệt phẩm trên văn đàn nước
Mỹ. Năm 1960, tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim với sự tham gia của hai
ngôi sao điện ảnh hàng đầu Elizabeth Taylor và Laurence Harvey. Bộ phim mang về
cho huyền thoại Elizabeth Taylor giải Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Hoàng Hải Anh

Вам также может понравиться