Вы находитесь на странице: 1из 10

Văn họcVăn học nước ngoài

8.6.2005
Mai Kim Ngọc
Saint Exupéry và huyền thoại Hoàng tử bé...
(trích du ký Lyon 1)

Mấy năm nay tôi thích viết du ký, về những chuyến đi nhờ đã hưu trí nên mỗi ngày mỗi
dễ dàng hơn. Tôi cũng nghĩ du ký không cần bó buộc trong giới hạn núi sông muông thú
cây cỏ khí hậu của xứ lạ quê người, mà còn là cơ hội nhìn lại cảnh trí nội tâm, trụ sở của
những cảm nghĩ, những kinh nghiệm sống riêng cho đến khi về hưu mới có thì giờ
nghiêm túc nhìn lại. Nét riêng tư này hy vọng có khả năng làm du ký mặn mà hơn những
sách chỉ dẫn du lịch phổ thông.

Trong một chuyến đi Pháp gần đây, tôi ghé Lyon để thăm một người bạn thân. Lần này
tôi ngạc nhiên vì xe lửa vừa tới ven đô, tôi đã gặp lại tên tuổi một nhân vật rất quen
thuộc. Đó là cái tên ‘Saint Exupéry’ trên những bảng chỉ đường về phi trường quốc tế của
tỉnh. Saint Exupéry sinh tại Lyon, thành danh đã lâu, vậy mà mãi đến 29 tháng 6 năm
2000 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông, thành phố mới lấy tên ông đặt cho phi
trường.

Lúc đổi tiền quan để tiêu dùng, tôi lại thấy tên và chân dung ông trên tờ giấy bạc 50 Euro.
Tôi biết danh nhân khi chân dung được ghi trên tiền tệ, đơn vị càng nhỏ lại càng quan
trọng. Ông Washington cha đẻ của nước Mỹ chỉ được ngự trị trên đồng 1 đô la. Phải có
công cho cả Mỹ trắng lẫn Mỹ đen, và sự nghiệp giải phóng nô lệ lẫy lừng cho cả nhân
loại, ông Lincoln mới được khắc chân dung trên đồng một xu bằng thau đỏ. Tuy nhiên,
dù không được nằm trên xu hào, vinh dự của nhà văn Pháp qua tiền tệ như vậy xem ra đã
là lớn lắm. Tôi nghĩ chưa có giấy bạc Mỹ in hình văn nhân Mark Twain hay Hemingway.
Việt Nam ta tiền tệ mang chân dung Nguyễn Du hay Ôn Như Hầu hay cụ đồ Chiểu cũng
chưa từng thấy.

Anh bạn tôi còn cho hay lúc sinh thời Saint Exupéry đã được vô số huân chương, sách
được phần thưởng Fémina rồi phần thưởng của Hàn Lâm Viện. Về sau, tên ông được
khắc lên bảng đồng để chưng trong viện Panthéon cùng cách danh nhân Pháp khác. Còn
nữa, cảm hứng từ sách truyện của ông, những người hữu trách đã lấy tên Saint Exupéry
đặt cho hai thiên thể đang cùng trái đất xoay vần trong vũ trụ. Con người đã thành huyền
thoại.

Chuyện tham quan một đô thị trở thành chuyện thăm lại một thế giới cũ của trí nhớ. Thế
giới đó khoảng đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước, với những cuốn truyện của Saint
Exupéry đọc với tấm lòng mới mẻ của người sinh viên. Vol de nuit, Terre des hommes, Le
petit prince vân vân bỗng trở về cùng với những kinh nghiệm sống vào một giai đoạn đặc
biệt của đất nước.

*
Thuở ấy, tác phẩm của Saint Exupéry rất thời thượng ở Việt Nam, dưới dạng sách bỏ túi.
Nhờ một quỹ viện trợ của Pháp, sách đã có mặt tại các thư quán đường Lê Lợi và Tự Do,
với giá rất thoải mái cho túi tiền sinh viên. Khác với tác phẩm của một số nhà văn thời
thượng khác, sách của Saint Ex (cách gọi đúng mốt) không những nổi tiếng mà rất hợp
với sinh viên miền Nam Việt Nam bấy giờ. Chúng mở ra một chân trời mới, chân trời của
không gian, từ đó có khoảng cách để nhìn lại trái đất với tất cả sự quý mến con người và
cuộc sống. Riêng cho cảnh quê hương mới độc lập, sách truyện của Saint Exupéry phục
hồi cho chúng tôi một cái nhìn bình thường với người Pháp sau những tàn bạo chưa quên
của đoàn quân viễn chinh, cái nhìn đã giúp chúng tôi có một liên hệ thầy trò đầm ấm với
các giáo sư Pháp, lực lượng giáo huấn nòng cốt của trường y bấy giờ.

Chúng tôi thấy văn chương Saint Exupéry đã đẹp lại cô đọng, với rất nhiều câu và đoạn
chứa đựng những ẩn dụ hay sứ điệp thâm trầm. Chữ nghĩa của ông có trọng lượng lớn, để
trong truyện đã đẹp mà lấy ra khỏi văn cảnh vẫn còn nhiều ý nghĩa. Một câu văn của ông
được sinh viên chúng tôi bấy giờ thích lắm, tạm dịch ra như sau, “Yêu nhau không phải
là nhìn nhau, mà là nhìn chung một hướng.” Thích mãi rồi tưởng như của mình, một
hôm có bạn lấy ra sử dụng trên bàn ăn sinh viên trực bệnh viện Chợ Rẫy. Câu nói làm
xúc động cô sinh viên dưới hai lớp đang ngồi cạnh anh nội trú (nên nhìn chung một
hướng ra vùng trời xanh nơi cửa sổ). Có kẻ phá đám bảo câu nói mượn nguyên văn của
Saint Exupéry, làm anh nội trú từ lịch lãm chuyển sang lúng túng. Nhưng anh vẫn chống
đỡ rằng lời hay ý đẹp, khi đã in thành sách truyện, trở thành của chung, có mượn chút để
tặng người thân cũng không sao. Vậy mà về sau cặp nam nữ ấy vẫn nên vợ nên chồng,
câu chuyện sinh viên ngộ nghĩnh chứng tỏ sức mạnh của ngôn ngữ nhà văn. Saint
Exupéry còn nhiều câu rất thích hợp để trích dẫn khác, không biết đã gián tiếp hay trực
tiếp xe duyên cho bao nhiêu cặp sinh viên Việt Nam bấy giờ. Tôi xin liệt kê một số nhỏ
những câu ấy trong dạng đã chuyển thành Việt ngữ sau đây:

‘Một tác phẩm trở thành hoàn hảo không phải là khi không còn gì để thêm vào, mà là khi
không còn gì để cắt bớt đi.’

‘Bí quyết của tôi rất giản dị, là phải lấy tâm mà nhìn. Mắt làm sao thấy được cốt lõi sự
việc.’

‘Đống đá không còn là đống đá, khi có người nhìn đá mà thấy một đại giáo đường.’

‘Cái đẹp của sa mạc là đâu đấy nó giấu một cái giếng.’

‘Chở thư, chở tiếng nói của con người... Thế kỷ này cũng như mọi thế kỷ khác, thành quả
lớn nhất là mang con người lại gần với con người.’

‘Hoan lạc chỉ có trong liên hệ giữa người với người.’

‘Duy lý tuyệt đối là sự suy đốn của tâm hồn.’

‘Tương lai không phải để tiên đoán suông, mà để biến nó thành hiện tại.’
‘Việc quan trọng khi đóng một chiếc tầu không phải là kiếm thợ kiếm gỗ, mà là biết mơ
ước cái bao la của đại dương.’

Ít có nhà văn nào mà có nhiều câu nhiều chữ cô đọng như vậy. Chỉ có điều từ cũng như ý
về sau bị nhiều người mượn tạm, phần nào đã mất đi cái hấp dẫn ban đầu để biến dạng
thành một thứ châm ngôn. Còn nữa, những phi hành gia của Mỹ về sau vượt xa ra khỏi
tầng khí quyển để lên đến mặt trăng, làm diện phiêu lưu mạo hiểm với chiếc máy bay
chuồn chuồn của Saint Exupéry trở thành tầm thường. Với những ưu tiên khác tiếp diễn
trong cuộc sống sinh viên và y sĩ về sau, tôi ít có dịp trở lại với Saint Exupéry cho đến
chuyến thăm bạn tại Lyon này.

Tối hôm ấy lạ chỗ khó ngủ, tôi lần ra thư viện chủ nhà tìm sách đọc. Nhớ lại tên nhà văn
trên bảng chỉ đường về phi trường quốc tế và chân dung ông trên tờ giấy bạc 50 Euro, tôi
chợt thắc mắc tại sao tôi đã không giữ một cảm tình lâu bền với tác phẩm của ông. Tìm
truyện của Saint Exupery, tôi may mắn thấy ngay cuốn Le petit prince nguyên bản tiếng
Pháp. Sách ngắn, rất thích hợp cho khoảng thời gian một hai giờ chờ sáng. Đọc trong
thanh tịnh của đêm, truyện bất ngờ gợi lên cho tôi những cảm nghĩ rất tha thiết và rất
mới. Tôi không còn thấy những câu văn phương ngôn hoá của ông nhàm chán. Tôi cũng
không còn bị ảnh hưởng tiêu cực của sự khác biệt về kích thước giữa những chuyến bay
của ông và những chuyến bay của phi hành gia không gian hiện thời.

Trước tiên, với tâm sự của người Việt sống xa quê hương, tôi có ngay cảm tình với truyện
vì nó gián tiếp liên hệ đến thủ phủ của miền Nam cũ, nơi tôi đã sống những năm sinh
viên đáng ghi nhớ tại trường y. Quả thật kinh nghiệm ông hỏng phi cơ giữa sa mạc dùng
làm bối cảnh của Le petit prince có lẽ đã được ông tiếp nhận trong chuyến bay thất bại
nhưng nổi tiếng mong nối liền Marseille với Sài Gòn, một kỷ lục chưa ai đạt được bấy
giờ. Nhưng lý do có lẽ còn quan trọng hơn, là đêm mất ngủ đó tôi đã đọc với cái cảm
quan đã trưởng thành mà ngày xưa không có. Sự tiếp thu khác xa với lần đầu, như chia sẻ
sau đây với bạn đọc, cùng với những cảm nghĩ hiện tại.

Le petit prince là chuyện người phi công lâm nạn phải đáp xuống sa mạc. Đang lúi húi
sửa máy bay thì anh ta gặp một nhân vật lạ kỳ đến thăm. Đó là một hoàng tử bé con từ
một tinh cầu khác lạc xuống. Qua những trao đổi, người phi công được biết hoàng tử đã
phiêu du nhiều tinh cầu khác. Ngay tại trái đất, hoàng tử cũng đã tham quan nhiều nơi
khác trước khi tới sa mạc này.

Hoàng tử đã thấy những cảnh đời eo sèo của những thế giới eo sèo. Đó là thế giới của
một ông vua thèm uy quyền mà không có thần dân để thi thố uy quyền; hay của người
nghiện rượu sầu muộn triền miên tiếp tục đi tìm niềm khuây khỏa trong những chai rượu
sắp uống mà không bao giờ thấy; hay của nhân viên phụ trách đèn đường cô đơn tại một
tinh cầu bé nhỏ, tối tối thắp lên những ngọn đèn đêm không rọi sáng cho ai để rồi chưa
đầy giờ sau khi ngày trở lại phải hấp tấp đi tắt chúng; hay của nhân viên đạc điền tháng
năm cặm cụi vẽ những tấm bản đồ không hữu dụng...

Hoàng tử lại cho người bạn phi công thấy tầm quan trọng của tâm hồn, khi nó trong sáng
và biết thưởng thức cái đẹp. Hoàng tử hạnh phúc với tinh cầu của mình, tuy nó không lớn
gì hơn tinh cầu của mấy người khác, bằng chứng là nó quay 43 lần nhanh hơn quả đất.
Thay vì than thở, hoàng tử sung sướng vì được ngắm mặt trời lặn 43 lần trong 24 tiếng
đồng hồ. Nếu mặt trời lặn hẳn rồi mà vẫn cảm thấy chưa ngắm đủ, hoàng tử chỉ việc kéo
ghế về phía tây để đuổi theo mà níu lấy cái đẹp của hoàng hôn... Tinh cầu có mấy hỏa
diệm sơn nhỏ, ngọn còn lửa thì dùng làm bếp nấu bữa ăn sáng, ngọn đã tắt dùng làm ghế
để ngồi chơi. Hoàng tử chấp nhận bổn phận và trách nhiệm của mình trong tư thế chủ
nhân ông tinh cầu, định kỳ đi thông núi lửa như người trần thế thông ống khói lò sưởi,
sáng sáng quét dọn cho sạch những gì gió vũ trụ mang tới. Việc làm quan trọng, vì những
hạt giống bay tới như vậy có thể nguy hiểm và cần được xử lý trước khi tai họa xảy ra.
Hạt Baobab nhỏ như đầu kim, nếu được phép sinh trưởng sẽ trở thành cây đại mộc khổng
lồ thường thấy ở Phi Châu, và chiếm hết tất cả diện tích tinh cầu. Hoàng tử sung sướng
khi người được phi công nhận vẽ cho con dê để mang về nhà. Nhưng những con dê vẽ ra
không đúng ý, sau cùng người phi công phải vẽ một thùng gỗ có lỗ thông hơi trong đựng
một con dê. Vì con vật nằm kín trong thùng, nên hoàng tử tùy nghi tưởng tượng để nó
thành một con dê hoàn toàn theo ý muốn. Dê ăn cỏ và cây con, mang về tiểu hành tinh sẽ
hữu dụng để xử lý những thảo mộc mới mọc lên từ những hạt giống bất ưng gió vũ trụ
mang tới.

Tuy nhiên, có một hạt giống đặc biệt, đã mang lại hạnh phúc cũng như khốn khổ cho
hoàng tử. Đó là hạt giống cây hồng, và cây hồng mọc lên cho một bông hồng duyên
dáng. Hoa yểu điệu, nhõng nhẽo, đòi hỏi, như vai nữ của một mối tình tiểu thuyết. Buổi
sáng, hoàng tử chưa kịp tưới thì nó đã kêu khát. Có chút gió thì nó kêu lạnh, lấy lồng
kính che thì nó kêu nóng. Luôn luôn nó than thở so bì, là ngày xưa trước khi tới với
hoàng tử nó đâu có khổ đến thế. ‘Quê em thì...’ nó hay vừa khoe vừa than. Thường thì nó
không nói hết câu, vì nhớ lại là hoàng tử biết rõ gốc gác của nó. Từ khi còn là cái nụ mới
nhú, nó chỉ biết có tinh cầu này. Khi hạt giống bay tới, thì nó chưa thành hình thể, thậm
chí chưa có cả linh hồn. Rồi quên đi, nó lại sẵng sàng than thở so bì trong một dịp khác...

Hoàng tử yêu bông hoa, và bông hoa yêu lại hoàng tử, nhưng những bất hoà liên tục xảy
ra. Và hoàng tử quyết định giã từ tinh cầu của mình, bỏ lại bông hồng yêu dấu. Chính
bông hồng cũng thấy chia tay là tốt cho cuộc tình lúc ấy. Nó giục hoàng tử lên đường. Ai
che chở cho em khi vắng anh, hoàng tử lo lắng. Nó trấn an bạn tình rằng anh đi đi, em
biết tự vệ, và nó khoe bốn cái gai xinh xắn của nó. Câu chuyện nhớ lại trên đường phiêu
du còn làm hoàng tử xót xa. Tới trái đất hoàng tử vẫn không yên tâm, sợ một ngày kia
cọp tới ăn mất bông hồng. Khi được trấn an rằng cọp không ăn cỏ, hoàng tử bớt lo nhưng
lại bực mình vì người bạn mới quen đã khi dể bồng hồng, gọi nó là cỏ. Hoàng tử thương
nhớ bông hồng. Từ sa mạc đêm nhìn lên bầu trời, hoàng tử ấm lòng vì biết rằng trong
những thiên thể vô vàn ấy, có tinh cầu của mình, một vì sao khiêm tốn nhưng quý hơn cả
trời sao bất tận vì có bông hồng mình yêu.

Có khi hoàng tử kể cho người bạn phi công những kinh nghiệm của mình về nhân loại tại
trái đất này. Khó hiểu nhất là những vườn hoa có hàng vạn bông hồng, mà chủ nhân xem
ra vẫn không hiểu gì về hồng, vẫn không biết rằng cuộc sống có thể đẹp và đầy đủ nếu
biết đặc biệt yêu thương chỉ một bông hồng độc nhất. Tình yêu sẽ làm cho bông hồng ấy
đẹp hơn tất cả mọi bông hồng khác họp lại. Hoàng tử cũng ngạc nhiên vì con người lúc
nào cũng tất bật vội vã, khi thấy nơi nhà ga những con tàu vội vã ngược xuôi, mà từ hành
khách cho đến bác bẻ ghi cũng không biết vội vã tất bật như thế để làm gì.

Kinh nghiệm đẹp nhất là mối giao tình của hoàng tử với con cáo khôn ngoan của sa mạc.
Hoàng tử đã học được nó về tình bạn, cũng như về nhiều chuyện khác trên đời. Cũng như
tình yêu, tình bạn làm cuộc sống có ý nghĩa. Cáo nói, bình thường cánh đồng kia chẳng là
gì cả, và cả hoàng tử cũng vậy. Nhưng khi đã thân nhau, hoàng tử không còn là một cậu
bé như trăm nghìn cậu bé khác mà trở thành bạn thân của nó. Và cánh đồng trở thành đẹp
đẽ vô vàn, vì màu lúa chín sẽ làm nó nhớ tới mái tóc vàng của bạn.

Mấy ngày trôi qua như vậy, hoàng tử kể cho người phi công lâm nạn rằng cũng nhờ con
cáo ấy mà hoàng tử những khám phá được những điều quan trọng về tình yêu. Là hoàng
tử vẫn yêu bông hồng, hiện tại cũng như quá khứ. Hoàng tử đã bỏ bông hồng mà đi chỉ vì
không biết cách yêu. Hoàng tử đã quá để tâm tới những than thở trách móc của bạn, mà
không biết thưởng thức cái hương thơm của hoa, hưởng thụ cái hạnh phúc bên hoa.

Câu chuyện giữa người phi công và hoàng tử nhỏ có khi đạt đến vùng triết học, phát hiện
được chiều dài chiều rộng chiều sâu của cõi nhân sinh, ngay trong những sự việc tầm
thường hàng ngày.

Tình cờ triết lý ấy lại có nhiều điểm tương đồng với nền văn hoá và triết Đông tôi đã hấp
thụ. Thí dụ khi đi tìm nước uống, hoàng tử dạy cho người phi công sự huyền diệu của cái
tâm trên sự vật. Cái giếng mà hai người tìm thấy không còn là cái giếng vô hồn. Nó sẽ là
một cái giếng đặc biệt. Từ cái kẽo kẹt của sợi thừng trên ròng rọc cũ, cho tới cái gầu trĩu
tay, cho tới cái mát trong cổ họng của ngụm nước giữa cơn nắng gắt, tất cả gắn liền với
cái tâm của ngày hôm nay làm giếng trở nên tuyệt vời.

‘Cái đẹp của sa mạc là đâu đó nó giấu một giếng nước ngọt’, Saint Exupéry nói chuyện
khát mà đẹp những ba bẩy đường. Gide đã khai triển ý niệm này trong La symphonie
pastorale, khi ông mục sư tả núi đẹp như cơn khát giữa trưa hè. Saint Exupéry đưa cái
hình tượng ấy đến một mức cao hơn, khi đề cập đến cơn khát giữa sa mạc. Hai nhà văn
Pháp quả thật rất gần với nhau. Gide đã ảnh hưởng Saint Exupéry rất nhiều, và đã viết tựa
cho Vol de nuit, cuốn truyện đầu tiên của nhà văn phi công với tầm mức của một đại tác
phẩm.

Cát bỏng đối chiếu với nước giếng ngọt, rõ ràng là một cái nhìn bất nhị để thấy mẫu số
chung cho những thực thể tưởng như trái ngược. Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Giữa
thanh vắng trong phòng sách của anh bạn chủ nhà, đêm Lyon đó tôi bắt được hương vị
thiền phảng phất trong Le petit prince của Saint Exupéry. Tôi ráng phân tích sự việc
tưởng như vô lý khi Đông Tây gặp nhau thân thiết thế này. Phải chăng đây là ảnh hưởng
của nội tâm Á Đông của tôi cho sự tiếp thu cảnh trí Tây phương.

Hương thiền lại dạt dào hơn trong cách hoàng tử giã từ quả đất để trở về tinh cầu cũ, sau
khi hiểu được mối tình thâm sâu của mình với bông hồng. Giây phút tiễn biệt được chọn
đúng lúc tinh cầu bay qua ngay trên thiên đỉnh của bức tường cổ. Hoàng tử ra đấy đứng,
để nhờ một người bạn khác mới quen giúp phương tiện hồi hương. Không có người bạn
này thì chuyến về không xong, vì hành trình dài hơn khó hơn tất cả những chuyến bay
người phi công hạ giới đã bay từ trước đến nay cộng lại. Hành trình ấy, hoàng tử không
thể mang theo thân xác, dù xinh xắn như thế cũng vẫn còn quá nặng nề. Người bạn tốt sẽ
giúp hoàng tử thoát cái xác phàm để nhẹ nhõm mà lên đường. Người bạn đó chính là con
rắn sa mạc. Nó trấn an hoàng tử là nó có dư nọc độc, để chuyến đi nhanh chóng và ít đớn
đau. Sợ người phi công xúc động trước cảnh thông thường gọi là hấp hối khi nọc độc
thấm, hoàng tử mới đầu không chịu cho bạn tiễn đưa. Phải khó khăn lắm người phi công
mới được chứng kiến giây phút trang trọng ấy.

Con rắn độc không ác, chết không phải là hết, bản chất mọi chuyện không tốt không xấu,
không sinh không diệt... Mới đầu tôi hơi ngạc nhiên tìm thấy thiền vị trong Le petit
prince, vì Saint Exupéry không phải là một Teillard de Chardin đã lưu lạc nhiều năm bên
Trung Quốc để gặp kinh sách Phật. Nhưng lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên, vì nghĩ cho
chín thì thiền không phải là đạo, mà là một cách sống tỉnh thức, không cần phải là Phật tử
mới biết. Và mọi triết học tốt, dù đã có tên triết Đông hay triết Tây, hay mang hình thức
tôn giáo này hay tín ngưỡng nọ, hay còn vô danh trong cái triết lý sống của một con
người biết nghiêm túc tư duy, thường có dịp đồng quy khi đến gần chân lý. Tôi chủ tâm
không viết hoa chữ ‘thiền’ vì dụng ý đó.

Người ta cho rằng tác phẩm đã tiên đoán cái chết yểu mệnh của nhà văn. Saint Exupéry
mất tích ngày 31 tháng 7 năm 1944, chừng độ một năm sau khi Le petit prince được xuất
bản. Hôm ấy, ông cất cánh lúc 8 giờ 45 từ phi trường đồng minh tại đảo Corse, trên chiếc
phi cơ hai thân Lightning P-38 tối tân của không lực Mỹ bấy giờ. Nguyên là chiến đấu
cơ, phi cơ được trang bị lại cho chức năng thám thính, cỗ súng đại liên trước mũi được
thay thế bằng dàn máy ảnh. Nhiên liệu đủ bay 6 tiếng đồng hồ, và phi vụ lẽ ra chấm dứt
lúc 12:30. Một giờ chiều ông vẫn chưa trở về căn cứ, và sĩ quan tư lệnh của ông bắt đầu
thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Đến 3 giờ rưỡi, ông vẫn biệt tăm, và người ta đành phải
ghi nhận rằng ông đã mất tích. Tháng sau, tang lễ của ông được cử hành.

Saint Exupéry có nhiều lý do để bất mãn với cuộc sống vào những năm cuối. Sau khi
Pháp bị Đức chiếm ít lâu, ông bỏ sang New York sống đời tha hương. Ông không theo
phe De Gaulle của kháng chiến hải ngoại, mà cũng không theo phe Pétain của Vichy hợp
tác với Đức. Không kinh nghiệm chính trị, ông kêu gọi hòa giải và đoàn kết, phát biểu
những lập trường không làm phe nào hài lòng. Vì ông là nhà văn nổi tiếng có thể ảnh
hưởng quần chúng, những non dại chính kiến của ông không được bỏ qua, và ông bị tấn
công tới tấp bởi những cây bút duới trướng tướng De Gaulle. Ông tình nguyện gia nhập
phi đoàn thám thính của đồng minh trong cảnh ấy và tuổi ấy, phải chăng phần nào mong
hành động chống Đức chứng tỏ cho lòng yêu nước tha thiết của ông.

Lý do bất mãn khác là sự nghiệp phi công của ông đã về chiều từ mấy năm trước. Khi
hãng hàng không thư tín vẫn thuê ông bị lỗ lã và giải thể, hãng Air France đã không thu
nhận ông như đã thu nhận phần đông các phi công khác. Ông chỉ còn bay với tư cách phi
công trắc nghiệm cho những loại máy bay mới phát minh, trong đó có chiếc thủy phi cơ
khổng lồ mà tại nạn đã cho ông nếm mùi chết ngạt dưới nước. Thế chiến thứ hai bùng nổ,
ông tình nguyện mà không được tuyển dụng lái chiến đấu cơ. Về tư cách phi công, ông
đã hết thời từ lâu. Ngoại tứ tuần, người đầy thương tích vì những tai nạn phi hành cũ, hút
thuốc lá liên tục, ăn uống thoải mái từ lâu với giới thượng lưu Pháp và Mỹ, ông không
còn phong độ của những chuyến bay đầu mấy chục năm trước. Còn nữa, kỹ thuật hàng
không tiến nhanh và đã vượt xa ông. Quá tuổi, quá ký, thiếu huấn luyện cập nhật, ông
không thích hợp với những chiếc máy bay tối tân chế tạo cho những thanh niên thon thả
từ mười cho đến 20 tuổi trẻ hơn và vài chục cân Anh nhẹ hơn. Quen thuộc với những
máy bay Pháp kiểu cũ, ông bực mình với dàn đồng hồ phức tạp của chiếc P-38, than thở
rằng làm phi công mà phải tỷ mẩn như làm kế toán viên. Ông không chịu thích nghi,
tiếng Anh không chịu học để khi bay có thể nghiêm túc liên lạc với tổng đài. Đơn vị đo
lường cao độ, ông thường lầm bộ Anh với mét Pháp. Ông lại đãng trí, một trong những
tai nạn của ông là tại hạ cánh mà quên không hạ dàn bánh xe.

Chỉ vì là nhà văn lớn mà ông vượt qua những cản trở do lề luật áp dụng cho người
thường. Vào lục cá nguyệt cuối của năm 1944, ông được nhận vào phi đoàn thám thính
của đồng minh tại đảo Corse. Sau tám phi vụ trong vòng hai tháng, ông làm hỏng một
chiếc máy bay của Mỹ trị giá hơn tám vạn đô la bấy giờ. Bị cắt cánh, ông tranh đấu để
được bay tiếp. Ông năn nỉ với đại tá Mỹ chỉ huy trưởng căn cứ, rằng ông mong được hy
sinh cho tổ quốc Pháp, để được trả lời rằng ông muốn chết thì hoàn toàn tùy nghi, nhưng
yêu cầu đừng chết trong máy bay Mỹ. Câu trả lời phản ánh hai thang giá trị khác biệt của
hai văn hoá. Tôi không đồng ý hoàn toàn với câu phán xét vắn tắt là Pháp trọng văn, Mỹ
trọng tiền. Có điều rõ ràng là sự cố nói lên tác phong trịch thượng của nhiều quân nhân
Mỹ với đồng minh trong những cuộc hành quân hỗn hợp từ xưa đến nay.

Nhưng không ai chối cãi được là hai bên Pháp và Mỹ tại căn cứ Corse nhìn Saint
Exupéry theo hai cách nhìn khác biệt. Với phi công Pháp và người Pháp nói chung, ông
là bậc tiền bối khai sơn phá thạch của nghề bay. Ông lại là văn sĩ lớn, một tư thế quan
trọng bậc nhất với văn hóa Pháp, nơi mà nhà văn quý hơn nhà giàu, quý hơn nhà tướng,
quý hơn nhà quan. Còn với đồng minh Mỹ, ông chỉ là một phi công quá tuổi, quá ký, quá
vụng, với thành tích bất hảo là đã gây ra nhiều tại nạn phi hành và phá hư nhiều phi cơ,
trong đó có chiếc Lightning P-38 tối tân trị giá 84.000 đô la mới giao cho ông không lâu.
Phải mở dấu ngoặc công bằng ở đây để ghi nhận sự phục thiện của người Mỹ. Một sĩ
quan không quân Mỹ khi ở căn cứ hỗn hợp tại Corse có lẽ chỉ trên 20 chút đỉnh, về sau
thú nhận là thời đó anh ta còn trẻ dại và dốt, không biết Saint Exupéry là ai mà cũng
không biết văn học là gì, nên không kiếm dịp thân hơn và kính trọng hơn một con người
đặc biệt.

Tuy nhiên, giá trị văn học xem ra thắng thế một lần cuối. Qua quen biết lớn bắt nguồn
trong văn giới, Saint Exupéry được bay trở lại bất kể sự phản đối ban đầu của tư lệnh nhỏ
trực tiếp chỉ huy ông. Ông được bay chuyến thám thính thứ chín, hiểu ngầm là chuyến
cuối cùng trước khi giải ngũ. Vì ông tử nạn, nguời ta không có cơ hội giải ngũ ông.

Những khám phá sau ngày 31 tháng 7 định mệnh, cùng với tình trạng bất mãn với cuộc
sống kể trên làm cho giả thuyết tự vận khó loại bỏ. Truớc chuyến bay cuối, Saint Exupéry
để lại di bút rằng nếu bị bắn hạ thì ông tuyệt đối không tiếc nuối gì. Ông sợ sống sót để
thấy cái tổ mối nhân loại tương lai. Ông chán ghét những con người đã biến thành những
thằng rô-bốt... Có người nghĩ ông sợ cho bản thân sau khi bị tấn công ráo riết trên báo chí
và radio bởi những cây viết phe de Gaulle, vì ông kêu gọi người Pháp (kể cả người phe
Vichy thân Đức) phải đoàn kết. Những tuần lễ trước khi chết, ông thường tỏ ý bi quan về
chiến thắng của đồng minh và ngày hoà bình sắp tới. Ông nghĩ sẽ có nhiều cuộc hành
hình bởi phe kháng chiến khi họ thành công. Thật ra ông không ngại bàn đến cái chết, và
có thể bàn cặn kẽ về chuyện chết làm sao. Ông tuyên bố nếu chết, ông sẽ chọn chết dưới
nước, chỉ ngộp một chút là xong, không đau đớn gì, theo kinh nghiệm chết hụt trước đấy
khi chiếc thủy phi cơ ông trắc nghiệm bị lâm nạn.
Tự vận là một chuyện nghiêm túc. Tuy nhiên có một sự việc vơ vào khá ngộ nghĩnh của
một số chuyên gia văn học khi tìm cách dẫn chứng cho giả thuyết tự vẫn của họ. Đó là
chi tiết tinh cầu của hoàng tử nhỏ có 44 hoàng hôn trong 24 tiếng đồng hồ. Ông cũng
đúng 44 tuổi khi chết, nên người ta suy diễn rằng cuốn sách nhỏ là một sứ điệp của ông
về tuổi thọ của mình. Ai đã định tự vận tất nhiên tiên đoán đúng tuổi thọ của mình.
Nhưng sự dẫn chứng mất cơ sở khi xét lại nguyên bản tiếng Pháp của ông, vì số hoàng
hôn trên tiểu tinh cầu trong 24 giờ thực sự là 43. Tuy nhiên, như mọi chuyện liên hệ đến
Saint Exupéry, câu hỏi này giải đáp xong thì câu hỏi khác lại mọc ra. Tại sao có sự khác
biệt trong bản Anh ngữ là một câu hỏi mới, thêm vào những câu hỏi không có trả lời mà
cũng không hiếm hoi đã có sẵn về ông.

Có giả thuyết khác là máy bay ông đã bị phá hoại. Nhưng phá hoại hay tự sát không ác
độc như những giả thuyết khác của đám kẻ thù tiểu nhân. Vì nhỏ nhen ghen tị, họ mập
mờ điều ong tiếng ve ám chỉ rằng sự mất tích của ông ám muội, biết đâu không dính đến
một âm mưu hay phản bội nọ kia. Thậm chí có kẻ còn huỵch toẹt nghi ngờ ông đã đào
ngũ. Nhưng sự công bình đã thắng, và nước Pháp rất sớm sau tai nạn đã tuyên dương ông
là người anh hùng vị quốc vong thân.

Thời gian trôi qua, thập niên này nối tiếp thập niên khác, người ta chấp nhận tác giả đã
thực thụ qua đời, dù xác người cũng như xác phi cơ không tìm thấy. Còn tác phẩm vẫn
tiếp tục được chiếu cố. Sáu mươi năm qua, truyện vẫn có độc giả mỗi ngày mỗi đông, trẻ
con cũng như người lớn. Cho đến bây giờ cuốn Le petit prince đã phát hành 10 triệu bản
tại Pháp và các quốc gia khu vực tiếng Pháp, và trên 20 triệu bản chuyển sang ngoại ngữ
trong cộng đồng thế giới.

Hôm nay viết lại chuyến du lịch Lyon ấy, tôi còn đuợc thêm dữ kiện từ những bản tin
ngắn về những cố gắng vô hiệu quả để tìm chiếc phi cơ lâm nạn của ông trong vùng Địa
Trung Hải gần Pháp. Bắt đầu là cuộc tìm kiếm nghiêm túc đầu tiên thực hiện 37 năm sau
ngày ông biệt tích trên đường công vụ. Cuộc tìm kiếm dựa trên bản báo cáo mới phát
hiện bấy giờ của một thượng sĩ không quân Đức trong thế chiến thứ hai. Y kể bị tấn công
ngoài khơi Marseille bởi một chiếc P-38 kiểu hai thân đặc thù, lúc 12 giờ 30 cũng cùng
ngày 31 tháng 7 năm 1944. Y chưa kịp nghênh chiến thì chiếc phi cơ kiểu Mỹ hỏng máy
đâm đầu xuống biển. Ngày tháng trùng hợp, mà cũng có lẽ cũng vì giả thuyết tự vận mà
người ta không thắc mắc vì sao một chiếc phi cơ thám thính không võ trang lại dám tấn
công một chiến đấu cơ. Nhưng chiếc P-38 đó không phải là chiếc phi cơ của Saint
Exupéry.

Tuy thất bại, sự tìm kiếm vẫn tiếp tục. Sau cùng một ngư phủ tên Bianco tình cờ quét lưới
gần đảo Riou ngoài khơi Marseille, vớt lên được một chiếc vòng đeo tay với hàng chữ
‘Antoine de Saint Exupéry (Consuelo)”. Hôm đó là mùng 7 tháng 9 năm 1998. Anh ta
sững sờ. Tất nhiên Antoine de Saint Exupéry là tên nhà văn mất tích, và Consuelo trong
ngoặc đơn là tên vợ ông. Mới đầu Bianco tưởng ai đùa dai đã thả chiếc vòng tay giả mạo
xuống biển cho người ta vớt. Rồi chính Bianco bị nhà hữu trách cũng như báo chí cho là
anh đã giả mạo, và những nghi vấn thiếu thiện cảm làm anh lao đao một thời. Nhưng
dùng phương tiện văn minh hiện đại hướng vào vùng biển khoảng kiếm được chiếc vòng
tay, người ta đã nhặt thêm được những mảnh khác của một chiếc phi cơ P-38. Một trong
những mảnh ấy có mang hàng chữ 2734L, số danh bộ hãng chế tạo hàng không Lockheed
xưởng Burbank Cali đã dập vào chiếc phi cơ mà không quân Mỹ sau này giao cho Saint
Exupéry lái.

Chiếc phi cơ của Saint Exupéry chính thức được nhận diện. Bianco được giải oan. Thật
ra, những đồn đãi ác độc ám chỉ phản bội, thậm chí đào ngũ khi nhà văn mới mất tích
cũng không còn lý do để tồn tại. Saint Exupéry không cần sự giải oan này, vì nước Pháp
từ lâu đã quyết định ban cho ông tất cả vinh dự một phi công hay một nhà văn có thể mơ
ước. Hơn nữa lòng yêu mến của độc giả khắp nơi với 30 triệu ấn bản làm chuyện giải oan
cho Saint Exupéry không cần thiết đến chỗ khôi hài.

Mặt khác, thời buổi văn minh hiện đại, ai đã nổi danh thì thật khó tan biến vào cõi hư vô.
Một khối vật chất không to gì lắm như chiếc tàu bay hai thân cũng không thể biến đi luôn
dù trong bao la của Địa Trung Hải. Chiếc P-32 của nhà văn tưởng đã nằm yên trong lòng
biển, sáu thập niên sau vẫn bị lôi lên. Tôi lại nghĩ đến cuốn Le petit prince. Cũng như tác
giả, cuốn sách là một huyền thoại lớn. Các nhà văn nói chung, dù đạt tới chỗ thượng
hạng, khi được phỏng vấn cũng thường tuyên bố là chỉ mong văn mình 5 năm sau còn có
người đọc. Tất nhiên là tuy không nói ra, trong thâm tâm các vị tin rằng tác phẩm của
mình sống sót lâu hơn, thường thường là nhờ trở thành tài liệu giáo khoa hay văn học sử.
Nhưng không ai có thể tin rằng, 60 năm sau khi được xuất bản, một cuốn truyện nhi đồng
mỏng như Le petit prince vẫn có sức lôi cuốn như thế với người đọc mọi lớp tuổi. Phải
chăng cái chết lãng mạn, quá trẻ, và đầy huyền bí, đã đóng góp cho huyền thoại của ông?
Nếu ông chết già trên giuờng bệnh chắc văn nghiệp của ông sẽ không tránh được thiệt
thòi.

Sau hết, một khi huyền thoại đã bề thế như thế bị sứt mẻ bao nhiêu, khi người ta tìm được
chiếc phi cơ mất tích với đầy đủ bằng chứng, kể cả số danh bộ của hãng Lockheed dập
trên tôn máy bay. Tôi nghĩ chắc không bao nhiêu. Có những huyền thoại có đời sống
riêng, những chân lý cụ thể loại cân được đo được không chạm được được đến chúng.
Trong trường hợp Saint Exupéry và hoàng tử nhỏ, huyền thoại là hình ảnh do độc giả đã
hư cấu ra. Nhà văn và nhân vật của ông đã trở thành hai tâm hồn trong sáng từ một tinh
cầu xa lạ xuống thăm trái đất, để không lấy gì làm thú vị với những điều trông thấy nên
lặng lẽ bỏ đi mà không để lại vết tích.

Nhưng kỳ lạ là bên cạnh sự thất vọng về cái tầm thường eo sèo của nhân loại và nhân
tâm, Le petit prince lại có tình yêu tha thiết dành cho người và cho thế giới của người.

Và kỳ lạ hơn nữa, là cái trong sáng thanh thoát đẹp như mơ như mộng của hoàng tử nhỏ,
và cái tầm thường của những cuộc sống eo sèo của nhân loại, cả hai thái cực ấy lại rất
quen thuộc, rất thân thiết. Chúng quen thuộc và thân thiết như những nét dung nhan của
chính bản thân chúng ta thấy được mỗi khi soi gương. Chúng ta biết giới hạn tầm thường
của mình, nhưng chúng ta cũng biết có một phần trong chúng ta mong ước được đuổi
theo một vì sao ẩn dụ, dù chung cuộc có phải tan biến vào hư vô như một thiên thể đã hết
quỹ đạo.

Huyền thoại như vậy thì không thể bị đe dọa bởi những mảnh tôn mảnh nhôm rỉ vớt lên
được ngoài khơi Marseille. Cuộc sống càng thực tiễn, càng cam go, càng khô cằn bao
nhiêu, thì huyền thoại càng quý hoá bấy nhiêu. Ví nó với cái gì nhỉ. Mượn ẩn dụ của
Saint Exupéry, tôi ví nó với cuộc tây du, không phải để đi lại con đường tơ lụa của Thày
Đường Tăng, mà để đuổi theo cái đẹp của hoàng hôn... hay đúng hơn, tôi ví nó với gáo
nước mát uống trong cơn khát giữa sa mạc.

Tháng Năm 2005

© 2005 talawas

Вам также может понравиться